Nhập cung Đường Từ Huệ

Năm Trinh Quán, nghe đến tiếng giỏi thơ, Từ Huệ được Đường Thái Tông vời vào cung, sách phong làm Tài nhân, hàng Chính ngũ phẩm[7]. Từ Huệ với tài năng, trình độ của mình rất được Đường Thái Tông ưu ái nể phục, phong lên thành Tiệp dư, hàng Chính tam phẩm. Tuy là tần phi đắc sủng, nhưng Từ Huệ cử chỉ trang nhã, trọng biết đối nhân xử thế rất chừng mực, khiến Đường Thái Tông cũng lấy lễ đối đãi, phong cha bà làm Viên ngoại lang bộ Lễ, rồi sắc phong bà làm Sung dung (充容), hàng Chính nhị phẩm[8].

Những năm cuối Trinh Quán, Thái Tông thường xuyên chinh phạt biên cương, quốc khố cạn kiệt. Năm Trinh Quán thứ 22 (648), tháng 4, Thái Tông giá hạnh Ngọc Hoa cung, Từ Huệ thân là Sung dung được bồi hầu. Từ Huệ thấy Đường Thái Tông có ý tu sửa cung điện trong hoàn cảnh này, bèn quyết định can ngăn[9][10][11][12]:

東戍遼海,西討昆丘,士馬罷耗,漕餉漂沒。捐有盡之農,趨無窮之壑;圖未獲之眾,喪已成之軍。故地廣者,非常安之術也;人勞者,為易亂之符也。翠微、玉華等宮,雖因山藉水,無築構之苦,而工力和僦,不謂無煩。有道之君,以逸逸人;無道之君,以樂樂身。伎巧為喪國斧斤,珠玉為蕩心鳩毒,侈麗纖美,不可以不遏。誌驕於業泰,體逸於時安。

.

Trộm nghĩ mấy năm nay, thiên hạ quá lao lực. Phía Đông đóng quân Liêu Hải, phía Tây thảo phạt Côn Khâu, làm cho quân vây ngựa mệt, lương thảo thiếu thốn. Dùng thu hoạch có hạn của nông dân, để bù vào quân lương vô tận dùng cho binh sĩ chỉ vì giành sự kính phục của các bộ lạc, ngược lại đánh mất tinh quân khổ luyện. Cho nên nói quốc thổ rộng lớn, cũng không phải là yên ổn lâu dài. Bá tánh vất vả, càng là nhân tố dễ dàng nổi loạn.

Thúy Vi cung cùng Ngọc Hoa cung, tuy dựa núi gần sông, cấu trúc cũng không phải là công trình to lớn quá mức, nhưng nhân lực, vận chuyển linh tinh, cũng là thực rắc rối lao dân. Nếu quân vương có đức hạnh, chính là lấy việc bá tánh yên vui làm niềm vui của chính mình, ngược lại, quân vương vô đức, chính là lấy niềm vui của bản thân làm trên hết. Những thứ điêu khắc đẹp đẽ, cũng là lưỡi rìu xẻ mòn dần quốc lực của quốc gia. Những ngọc ngà châu báu lóa mắt, là độc dược nhân tâm. Chúng nhìn tuy rằng xa hoa, nhưng cũng không cần thiết. Sự nghiệp an khang làm chí hướng dễ dàng kiêu căng, thời cuộc yên ổn thì người đương thời dễ dàng mặc kệ chính mình mà làm điều sằng bậy.

— Từ Sung dung gián Đường Thái Tông

Trong Tân Đường thư chỉ ghi phân đoạn này, thực tế thượng tấu của bà rất dài, gồm 3 bài được chép trong Cựu Đường thư. Đường Thái Tông tâm đắc hành động của Từ Huệ liền khen ngợi và ban thưởng hậu hĩnh cho bà, nhưng không rõ ông có nghe theo hay không bởi vì hai sách Đường thư đều không nói rõ. Dẫu Thái Tông nghe hay không nghe, đây cũng chính là nét son chói lọi trong suốt cuộc đời của Từ Huệ và hậu thế đều đánh giá cao về hành động này[13][14].

Năm Trinh Quán thứ 23 (649), Đường Thái Tông giá băng, Từ Huệ vì quá đau lòng dẫn đến tâm bệnh, không chịu uống thuốc mà nói:「"Ta thụ long ân thâm hậu, hy vọng sau khi tạ thế được hầu hạ Tiên Đế trong lăng tẩm của Ngài, đó là tâm nguyện cuối cùng của ta"」. Sau đó bà liền viết 1 bài thơ thất ngôn biểu đạt tâm nguyện này[15][16]. Sang năm sau, tức là năm Vĩnh Huy nguyên niên (650), Từ Sung dung qua đời ở tuổi 24. Đường Cao Tông Lý Trị cảm thương, truy phong tước vị Hiền phi (賢妃), lại được "Bồi táng" (陪葬; nghĩa là "táng theo hầu") cho Đường Thái Tông tại Chiêu lăng (昭陵), bà được chôn bên khu địa thất phía Tả[17][18].